Lạm phát tại khu vực đồng euro đã nhích lên trong tháng 6, chạm đúng mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho thấy giai đoạn giá cả tăng nóng đã kết thúc. Sự thay đổi này đang chuyển trọng tâm của các nhà hoạch định chính sách sang rủi ro bất ổn kinh tế do căng thẳng thương mại toàn cầu
Chỉ số giá tiêu dùng của 20 quốc gia sử dụng đồng euro tăng lên 2,0% trong tháng 6, từ mức 1,9% của tháng trước đó, phù hợp với dự báo trong khảo sát của Reuters. Mức tăng khiêm tốn này diễn ra trong bối cảnh giá năng lượng và hàng hóa công nghiệp tiếp tục giảm, phần nào bù đắp cho áp lực lạm phát đến từ nhóm dịch vụ – lĩnh vực vốn đang tăng giá nhanh.
Lạm phát cơ bản vẫn ổn định, nhưng áp lực nội địa chưa hạ nhiệt
Lạm phát cơ bản – thước đo loại trừ các yếu tố biến động như thực phẩm và nhiên liệu vẫn duy trì ở mức 2,3%, đúng với kỳ vọng của thị trường. Đây là chỉ số được ECB theo dõi sát sao nhằm đánh giá xu hướng lạm phát thực chất.
Trước triển vọng giá cả hạ nhiệt, ECB đã tiến hành giảm lãi suất tổng cộng 2 điểm phần trăm trong vòng một năm qua. Giờ đây, câu hỏi được đặt ra là liệu ngân hàng trung ương có tiếp tục nới lỏng chính sách để tránh rủi ro lạm phát giảm quá sâu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu kém.
Một yếu tố then chốt trong cân nhắc này là chi phí dịch vụ – lĩnh vực đã duy trì lạm phát cao trong nhiều năm. Trong tháng 6, lạm phát dịch vụ tăng lên 3,3% từ mức 3,2% của tháng trước, khi giá nhóm này tăng thêm 0,7% so với tháng trước. Điều này củng cố lập luận của các nhà hoạch định chính sách "diều hâu" rằng lạm phát nội địa vẫn còn cao, qua đó hạn chế rủi ro lạm phát xuống dưới mức mục tiêu.

Thị trường kỳ vọng ECB sẽ giảm thêm lãi suất trước khi giữ ổn định
Giới đầu tư tài chính hiện kỳ vọng ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống còn 1,75% vào cuối năm nay, trước khi duy trì mức lãi suất ổn định trong một thời gian, và có thể tăng trở lại vào cuối năm 2026.
Tuy nhiên, triển vọng này còn phụ thuộc đáng kể vào diễn biến căng thẳng thương mại giữa Liên minh châu Âu và chính quyền Tổng thống Donald Trump tại Mỹ. Cho đến nay, tranh chấp thương mại đã làm giảm áp lực giá cả thông qua việc khiến niềm tin kinh tế suy yếu, đẩy giá trị đồng euro tăng và làm giảm chi phí năng lượng.

Kinh tế khu vực euro vẫn ì ạch, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát dài hạn
Nền kinh tế khu vực đồng euro hiện gần như không tăng trưởng, với dự báo tăng trưởng cả năm dưới 1%. Ngành công nghiệp vẫn chưa hồi phục sau nhiều năm suy thoái, trong khi tiêu dùng cá nhân và đầu tư tư nhân đều yếu.
Nếu Mỹ duy trì các rào cản thương mại, EU nhiều khả năng sẽ đáp trả, dẫn đến rủi ro lạm phát trở lại. Trong kịch bản này, các doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng – điều sẽ làm tăng chi phí sản xuất.
Ngoài ra, các yếu tố dài hạn như chi phí chuyển đổi sang năng lượng xanh và quá trình già hóa dân số trong độ tuổi lao động cũng có thể góp phần tạo áp lực lạm phát kéo dài trong thời gian tới, theo nhận định của giới kinh tế học.