Dự luật "One Big Beautiful Bill Act" (OBBBA) là một đạo luật ngân sách gây tranh cãi, song một số ngân hàng lại xem đây là liều thuốc kích thích cần thiết cho nền kinh tế Mỹ.
Dự luật OBBBA đã được Thượng viện Mỹ thông qua với tỷ lệ sít sao 51–49 vào cuối tuần qua, tiến thêm một bước quan trọng đến bàn làm việc của Tổng thống.
Với các cải cách thuế quy mô lớn và các ưu đãi có mục tiêu, đạo luật này dự kiến sẽ làm gia tăng thâm hụt ngân sách liên bang – điều đã dấy lên cảnh báo từ các tổ chức xếp hạng tín dụng và vấp phải không ít chỉ trích. Tuy nhiên, một số ngân hàng cho rằng dự luật có thể tạo ra cú hích tích cực cho nền kinh tế Mỹ trong ngắn hạn.

OBBBA là “tấm khiên” tránh cú sốc tài khóa năm 2026
Hiệp hội Ngân hàng Mỹ (American Bankers Association) đã công bố một bức thư vào Chủ nhật, bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với nhiều điều khoản trong dự luật, đặc biệt là các chính sách giảm thuế được đánh giá là “rất cần thiết”.
Ông David Seif, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Nomura phụ trách các thị trường phát triển, nhận định: “Tôi cho rằng OBBBA gần như chắc chắn sẽ mang lại tác động tích cực cho kinh tế Mỹ trong vài năm tới, nếu so với kịch bản không có gì được thông qua”. Ông nhấn mạnh rằng một loạt điều khoản trong Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm (Tax Cuts and Jobs Act) năm 2017 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2025 – điều có thể khiến tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư doanh nghiệp giảm mạnh nếu không được gia hạn.
OBBBA được đánh giá là công cụ chính giúp duy trì hiệu lực của các chính sách thuế ưu đãi đó, qua đó ngăn chặn một cú sốc tài khóa vào năm 2026. Một điểm đáng chú ý khác là việc cho phép doanh nghiệp được khấu hao đầu tư tài sản nhanh hơn – điều có thể thúc đẩy đầu tư doanh nghiệp trong ngắn hạn, dù có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư dài hạn, theo ông Seif.
Triển vọng tích cực từ thị trường tài chính
Các chiến lược gia của Citi trong báo cáo tuần trước cũng cho rằng dự luật sẽ là “gió xuôi” cho tăng trưởng kinh tế. Họ kỳ vọng rằng cùng với việc hoàn tất một số hiệp định thương mại (với Anh, Trung Quốc, có thể cả Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu...), và việc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ, kinh tế Mỹ sẽ có thêm động lực tăng trưởng.
Citi cũng nhận định rằng nỗi lo về việc thị trường trái phiếu Mỹ nổi loạn (“bond vigilante moment”) trong giai đoạn 2025–2026 là không đáng kể, vì phần lớn phần chi tăng thêm từ dự luật sẽ được bù đắp bằng nguồn thu từ thuế quan mới.

Những cảnh báo về rủi ro tài khóa
Tuy nhiên, các chuyên gia khác lại bày tỏ lo ngại sâu sắc. Vấn đề thâm hụt và nợ công là tâm điểm chỉ trích. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) – một cơ quan phân tích phi đảng phái ước tính dự luật sẽ làm gia tăng ít nhất 3.000 tỷ USD nợ liên bang trong thập kỷ tới.
Dù Morgan Stanley nhìn nhận rằng các ưu đãi thuế trong dự luật có thể thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ các lĩnh vực như dịch vụ truyền thông, công nghiệp và năng lượng, họ cũng cảnh báo rằng dự luật làm dấy lên mối lo về tính bền vững tài khóa.
Bà Erica York – Phó Giám đốc chính sách thuế liên bang tại Trung tâm Chính sách Thuế của tổ chức Tax Foundation đánh giá rằng dự luật là “vô trách nhiệm về mặt tài khóa”, ngay cả khi đã tính đến tác động từ tăng trưởng kinh tế. Bà chỉ ra rằng nhiều chính sách thuế được thiết kế phức tạp và mang tính chọn lọc, tạo ra sự thiên vị giữa các nhóm người lao động.
Ngoài ra, do có nhiều điều khoản mang tính kỹ thuật cao và được thiết kế riêng biệt, Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS) sẽ phải đầu tư thêm nguồn lực để cập nhật các biểu mẫu, hướng dẫn và công cụ kiểm tra – điều làm tăng gánh nặng hành chính trong bối cảnh cơ quan này vốn đã bị quá tải.
Kết luận
Mặc dù OBBBA có thể giúp tránh được một cú sốc tài khóa trong ngắn hạn và tạo thêm dư địa cho đầu tư đặc biệt từ khu vực tư nhân nhưng những rủi ro về nợ công, tính công bằng trong hệ thống thuế và gánh nặng quản lý hành chính là không thể bỏ qua. Các ngân hàng có thể được hưởng lợi trong vài năm tới, nhưng triển vọng dài hạn sẽ phụ thuộc lớn vào cách thức cân bằng giữa chi tiêu tài khóa và khả năng duy trì kỷ luật ngân sách.